Thành phố Hồ Chí Minh là siêu đô thị, có 4.869 tuyến đường (kể cả các tuyến hẻm) với nhiều cấp hạng đường và mặt cắt ngang khác nhau. Hàng năm, kinh phí nhu cầu thực tế cho hoạt động bảo trì rất lớn (xấp xỉ 2.000 tỷ đồng) nhưng nguồn vốn bảo trì mới chỉ đáp ứng khoảng 40% - 50% nhu cầu. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải vận hành sao cho có hiệu quả với nguồn vốn hạn hẹp nhưng chất lượng hoạt động khai thác luôn đảm bảo an toàn và công năng khai thác. Hiện tại phương pháp quản lý truyền thống là các gói thầu bảo trì vẫn phải tiến hành đấu thầu, nghĩa là công tác khảo sát, thiết kế, lập dự toán, hồ sơ mời thầu v.v... vẫn được tiến hành đầy đủ như các gói thầu xây dựng lớn khác, mặc dù giá trị các gói thầu bảo trì rất nhỏ, có khi chỉ 200÷ 300 triệu, trong khi đó Thành phố có khoảng 500 - 600 gói thầu bảo trì hàng năm. Điều đó cho thấy sự lãng phí về các thủ tục hành chính (hồ sơ đấu thầu, nghiệm thu, thanh quyết toán, hoàn công,...) và nguồn nhân lực lớn thực hiện công tác thiết kế, giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán, hoàn công và lực lượng quản lý nhà nước,...Trách nhiệm chất lượng dàn trải cho nhiều chủ thể, dẫn đến chất lượng bảo trì hệ thống đường đô thị không đảm bảo. Việc thay đổi phương pháp quản lý trên cơ sở khoa học, đáp ứng yêu cầu của hoạt động bảo trì đường đô thị, góp phần phát triển kinh tế đô thị Thành phố Hồ Chí Minh là rất cấp thiết. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất giải pháp áp dụng hợp đồng dựa trên chất lượng thực hiện (Peformance Based Contract - PBC) trong hoạt động bảo trì đường đô thị với các nội dung sau.