Trầm cảm là rối loạn cảm xúc phổ biến gây nhiều hậu quả tiêu cực cho cá nhân và cộng đồng, tuy nhiên có thể quản lý hiệu quả bằng can thiệp tâm lý nhóm. Nghiên cứu thực hiện lần đầu tại Việt Nam nhằm mục tiêu Đánh giá kết quả bước đầu của can thiệp tâm lý nhóm cho trầm cảm tại Thái Nguyên năm 2021. Nghiên cứu can thiệp không có nhóm chứng, theo dõi trước và sau can thiệp, tiến hành ở 10 xã/phường tại thành phố Thái Nguyên từ 8/2020 - 12/2021. Can thiệp tâm lý nhóm 8 buổi theo liệu pháp kích hoạt hành vi, được thực hiện trên 359 người tuổi 18- 65 có điểm PHQ-9 ≥ 10 và loại trừ rối loạn tâm thần nặng khác. Đánh giá trước và sau can thiệp sử dụng thang PHQ-9 (đánh giá trầm cảm), Q-LES-Q-SF (chất lượng cuộc sống) và BRCS (khả năng thích ứng). Sau 3 tháng, điểm trầm cảm giảm trung bình 8,32 (ES = 2,47), tỷ lệ trầm cảm giảm từ 100% xuống 49,4%, khác biệt có ý nghĩa thống kê (p <
0,05). Các yếu tố ảnh hưởng gồm chất lượng cuộc sống, khả năng thích ứng cũng cải thiện đáng kể.