Candida là tác nhân nấm men gây bệnh nấm miệng phổ biến, đặc biệt là ở bệnh nhân có các bệnh lý nội khoa mạn tính. Mục tiêu 1. Xác định tỷ lệ nhiễm nấm Candida miệng ở bệnh nhân điều trị bệnh nội khoa. 2. Khảo sát đặc điểm lâm sàng của tình trạng nhiễm nấm Candida miệng và các yếu tố liên quan. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 213 bệnh nhân. Khám lâm sàng ghi nhận triệu chứng của bệnh nấm miệng do Candida và khai thác các yếu tố liên quan. Thu thập bệnh phẩm niêm mạc miệng làm xét nghiệm trực tiếp với dung dịch KOH 20% để xác định tỷ lệ nhiễm nấm. Mẫu bệnh phẩm có kết quả xét nghiệm trực tiếp dương tính được nuôi cấy và định danh bằng môi trường sinh màu. Kết quả Tỷ lệ nhiễm Candida miệng là 16,9%, trong đó tỷ lệ C. albicans và C. non albicans lần lượt là 55,6% và 44,4%. Đặc điểm lâm sàng của nhiễm nấm Candida miệng bao gồm giảm vị giác, chán ăn (47,2%), đau rát miệng (5,6%), mảng trắng trên niêm mạc (30,6%), viêm góc miệng với đỏ hai mép miệng (2,8%). Các yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiễm nấm Candida miệng bao gồm tuổi từ 60 trở lên, pH nước bọt <
7, không có khả năng tự chăm sóc răng miệng, chải răng ít hơn 2 lần/ngày, thiếu cân, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và tiết niệu, sử dụng corticoid dạng hít, dùng thuốc kháng sinh, phối hợp 2 loại kháng sinh trở lên, kháng sinh kéo dài trên 7 ngày. Kết luận Nấm miệng cần được lưu ý ở các bệnh nhân điều trị nội khoa có yếu tố liên quan để có thể chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân.