Ngày 27/9/2019, thay mặt cho Bộ Chính trị, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mặc dù chủ trương, chính sách Việt Nam chưa bắt kịp với những chuyển biến không ngừng về trình độ khoa học kỹ thuật trên thế giới, song nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng kể trong việc áp dụng các tiến bộ này vào hoạt động kinh doanh, sản xuất, thương mại, đáng chú ý là ứng dụng công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng. Điều này không những được hỗ trợ bằng việc nghiên cứu, đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý mà còn tạo động lực cho sự phát triển bởi những cơ hội đầy tiềm năng như khả năng thích ứng, nhu cầu người dân, cơ sở hạ tầng,... Bên cạnh đó, xu thế giao dịch trực tuyến trở nên phổ biến, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, với những thuận lợi và cơ hội, ngành tài chính-ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức như tính đầy đủ của pháp luật điều chỉnh, mối lo ngại về an toàn và khả năng bảo mật thông tin, tội phạm tài chính, chất lượng nguồn nhân lực vận hành và phát triển công nghệ tài chính.