Hàm lượng của một số kim loại trong đất có ảnh hưởng đến môi trường nói chung cũng như các sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Than sinh học có khả năng thay đổi một số tính chất lý, hóa học của đất từ đó làm giảm hàm lượng kim loại ở dạng trao đổi trong đất. Nghiên cứu này có mục tiêu là đánh giá ảnh hưởng của than sinh học đến hàm lượng của một số kim loại ở dạng trao đổi trong đất trồng lúa nước trên hai loại đất xám có hàm lượng cacbon hữu cơ (OC) khác nhau. Một thí nghiệm chậu được thiết lập trong nhà kính sử dụng hai loại đất có OC cao (3,05%) và thấp (0,54%) có phối trộn với than sinh học ở các tỷ lệ 0, 1,5%, 3%, 6%, và 12% và trồng lúa nước trong 2 vụ liên tục. Kết thúc mỗi vụ lúa, 30 mẫu đất (2 loại đất x 5 tỷ lệ than x 3 lần lặp) được lấy để phân tích pH và hàm lượng trao đổi các kim loại Al, Fe, Mn, Cd, Ni, Pb, và Zn bằng dịch chiết BaCl2. Chỉ số chất lượng kim loại được tính trên tất cả các kim loại được phân tích bằng phương pháp phân tích thành phần chính/nhân tố. Kết quả nghiên cứu cho thấy than sinh học làm tăng giá trị pH sau vụ lúa thứ nhất, tuy nhiên không thể hiện sự cải tạo giá trị pH sau vụ lúa thứ hai. Than sinh học có tác dụng làm giảm hàm lượng trao đổi của một số nguyên tố kim loại như Al, Fe, Ni, Cd, Pb, và Zn. So với không bổ sung than sinh học, việc bổ sung than sinh học đã làm tăng chỉ số chất lượng các kim loại trong đất từ 4,1 đến 12,8% sau vụ thứ nhất và từ 9,6 đến 188,7% sau vụ lúa thứ 2, tùy vào loại đất và tỷ lệ than sinh học sử dụng. Hiệu quả làm giảm này có liên quan đến môi trường pH tăng (5,98-6,63 ở tỷ lệ than 0% đến 12% đối với đất có hàm lượng OC cao, và 6,17-6,90 đối với đất có hàm lượng OC thấp) và khả năng hấp phụ của than sinh học. Tóm lại, than sinh học có triển vọng tốt trong việc hạn chế hàm lượng kim loại trao đổi trong đất trồng trọt và có khả năng áp dụng trên điều kiện thực tế nhằm cải tạo đất ô nhiễm kim loại.