Mất ngủ là rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất và ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh về thể chất, tinh thần cũng như kết quả học tập ở sinh viên. Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu xác định tỷ lệ và các mối liên quan đến tình trạng mất ngủ ở sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu nghiên cứu cắt ngang được tiến hành tại 4 trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh với dữ liệu được thu thập thông qua khảo sáttrực tuyến bằng Google Forms. Bộ câu hỏi bao gồm các thông tin về đặc điểm cá nhân - xã hội, thói quen sử dụng điện thoại - truy cập internet, và thang đo đánh giá Chỉ số mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngủ. Ngưỡng cắt ≥15 điểm được dùng để xác định có triệu chứng mất ngủ. Kết quả Trong 2034 sinh viên trong phân tích số liệu, tỷ lệ mất ngủ là 24,9%. Nghiên cứu cũng cho thấy mất ngủ nhiều hơn ở sinh viên ≥21 tuổi (OR=1,25 KTC 95% 1,01-1,53), đang học năm 3, 4 (OR=1,36 KTC 1,08-2,69), kết quả học tập trung bình (OR = 1,76 KTC 95% 1,33-2,31) hoặc yếu kém (OR=2,08 KTC 95% 1,05-4,10). Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy có mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng mất ngủ với cảm thấy áp lực học tập từ trường (OR=2,12 KTC 95% 1,51-2,95), căng thẳng do thi rớt, thi lại (OR=2,17 KTC 95% 1,74-2,71), sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ (OR=1,93 KTC 95% 1,06-3,51) và nghiện sử dụng điện thoại di động (OR=1,84 KTC 95% 1,48-2,28). Kết luận Tỷ lệsinh viên báo cáo mất ngủ khá cao. Sinh viên cần có kế hoạch trong việc chăm sóc giấc ngủ của mình cũng như nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của mất ngủ đến sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và khả năng học tập.