Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá tính khả thi của mô hình lúa-cá-cây ăn trái, sự giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, sự tăng thu nhập và tạo sản phẩn lúa-cá VietGAP. Thí nghiệm được bố trí trên 3 ruộng nông dân và so sánh với mô hình của nông dân lúa độc canh tại tỉnh An Giang. Bằng hình thức xen canh 2 vụ lúa - 1 vụ cá, sản phẩm lúa và cá đạt chứng nhận VietGAP. Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho lúa có độ độc cao (nhóm độc II) ở mô hình lúa-cá-cây ăn trái là 28% thấp hơn so với ở mô hình lúa độc canh (39%). Do có nguồn thu thêm từ cây ăn trái và lợi nhuận từ lúa cao hơn nên tổng thu và lợi nhuận của mô hình lúa-cá-cây ăn trái cao hơn lần lượt 53% và 209% so với ở mô hình lúa độc canh. Cá nuôi trong nghiên cứu này chưa mang lại lợi nhuận do tỷ lệ sống của một số loài thấp và giá bán cá tra giảm thấp. Cần tiếp tục nghiên cứu nâng giá bán lúa và cá đã đạt chứng nhận VietGAP và cải tiến năng suất cá để nâng cao hơn nữa lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận của mô hình lúa-cá-cây ăn trái.