Thời gian gần đây, điều trị bệnh lý khúc nối bể thận - niệu quản (KNBTNQ) ở trẻ em tại bệnh viện Trung ương Huế có nhiều tiến bộ cũng như có nhiều cách tiếp cận bể thận trong phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi hoàn toàn trong phúc mạc. Bên cạnh đó, chưa có nhiều nghiên cứu có tính hệ thống đánh giá kết quả phẫu thuật tạo hình KNBTNQ tại bệnh viện trung ương Huế. Vì vậy, chúng tôi thực hiện nghiên cứu (NC) này để đánh giá kết quả phẫu thuật (PT) bệnh lý KNBTNQ ở trẻ em trong vòng ba năm gần đây. Đối tượng và phương pháp Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu (NC) mô tả tiến cứu các bệnh nhi (≤ 16 tuổi) bị thận ứ nước do bệnh lý KNBTNQ được phẫu thuật tạo hình bể thận - niệu quản theo phương pháp Anderson - Hynes từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 10 năm 2022. Kết quả Chúng tôi đã thực hiện PT tạo hình cho 34 bệnh nhi, trong đó có 31 trường hợp PT mở và 3 trường hợp phẫu thuật nội soi (PTNS) xuyên phúc mạc. 24 bệnh nhi nam (70,6%) và 10 bệnh nhi nữ (29,4%), độ tuổi trung bình là 50,53 ± 49,26 tháng tuổi, nhỏ nhất là 3 tháng tuổi, lớn nhất là 182 tháng tuổi. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau vùng hông lưng (70,6%). Thận ứ nước độ 3 chiếm tỷ lệ cao nhất trên siêu âm (61,8%) và CLVT (70,6%). Thời gian trung bình phẫu thuật mở là 81,45 ± 23,74 phút, của phẫu thuật nội soi là 136,67 ± 15,27 phút. Thời gian nằm viện sau mổ trung bình ở BN phẫu thuật mở là 5,20 ± 1,17 ngày, đối với PTNS là 4,15 ± 2,04 ngày. Có 33/34 BN PT thành công, đạt tỷ lệ 97,05%, 1/34 BN có tình trạng tái hẹp, đã được PT tạo hình lại lần 2. Kết luận Kết quả nghiên cứu cho thấy phẫu thuật bệnh lý KNBTNQ ở trẻ em đúng chỉ định là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả. Phẫu thuật đường ngang sau lưng ở trẻ em có nhiều ưu điểm và an toàn. Phẫu thuật nội soi xuyên phúc mạc cho thấy là phương pháp an toàn, tuy nhiên cần nghiên cứu trên số lượng bệnh nhân lớn để đánh giá được chính xác hơn.