Trong những năm gần đây, Keo lưỡi liềm được đưa vào trồng trên các vùng cát ven biển tại Bình Thuận nhằm hạn chế tình trạng sa mạc hóa, duy trì nguồn nước ổn định, chặn đứng nạn cát bay, cát nhảy ở vùng này và thực tế cho thấy loài cây này đã sinh trưởng và phát triển tốt. Bài viết này công bố những kết quả nghiên cứu về cấu trúc và sinh trưởng của rừng trồng keo lưỡi liềm tại Bình Thuận. Nghiên cứu áp dụng phương pháp lập 60 ô tiêu chuẩn (otc) điển hình trên đối tượng rừng trồng keo lưỡi liềm tại Bình Thuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy, phân bố số cây theo cỡ đường kính ngang ngực và đường kính tán có dạng một đỉnh lệch trái trong khi đó phân bố số cây theo chiều cao có dạng đỉnh lệch phải và được mô phỏng tốt bằng hàm Weibull. Quá trình sinh trưởng về đường kính thân (D1,3), chiều cao (Hvn), đường kính tán (Dt), thể tích (V) và trữ lượng (M) được mô tả rất tốt bằng hàm Schumacher.