Phương pháp Shadowing từ lâu đã được ứng dụng rộng rãi trong các lớp học tiếng Anh, đặc biệt trong các khóa đào tạo phiên dịch và là mảng đề tài nhiều học giả quan tâm nghiên cứu như Lambert (1992), Murphey (1995, 2001), Shiota (2012), Hamada (2014). Tuy nhiên, cho tới nay, chưa có nghiên cứu nào ở Việt Nam tìm hiểu về tác dụng của phương pháp Shadowing trong việc nâng cao khả năng phiên dịch lưu loát tiếng Anh. Để khắc phục khoảng trống nghiên cứu đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra (1) mối liên hệ giữa việc thực hành phương pháp Shadowing với khả năng phiên dịch trên thực tế của sinh viên năm thứ ba chuyên ngành ngôn ngữ Anh trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCNHN) và (2) quan điểm của sinh viên về việc ứng dụng kỹ thuật Shadowing trong các lớp học dịch và ảnh hưởng của việc ứng dụng này đối với khả năng dịch lưu loát. Có 54 sinh viên tham gia nghiên cứu thực nghiệm trong hai tháng, được chia ngẫu nhiên vào nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ bài kiểm tra trước và sau khi tiến hành thực nghiệm với hai nhóm sinh viên này, (2) phỏng vấn năm sinh viên ở nhóm thực nghiệm và (3) dự giờ quan sát với nhóm này. Kết quả nghiên cứu cho thấy (1) luyện tập Shadowing đóng vai trò tương đối trong việc cải thiện khả năng dịch lưu loát của sinh viên nhóm thực nghiệm và (2) sinh viên có thái độ và quan điểm tích cực đối với việc ứng dụng kỹ thuật Shadowing trong các lớp học dịch và ảnh hưởng của việc ứng dụng này đối với khả năng dịch lưu loát. Dựa trên những kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất một quy trình áp dụng phương pháp shadowing nhằm nâng cao khả năng dịch lưu loát cho sinh viên chuyên tiếng Anh tại trường ĐHCNHN và gợi ý những hướng nghiên cứu tiếp theo cho việc áp dụng này. Bài viết hi vọng sẽ là nguồn thông tin hữu ích cho giảng viên và các nhà nghiên cứu về dịch thuật nói chung cũng như gợi ý các hoạt động giảng dạy phiên dịch tại các trường đại học nói riêng.