Hiện nay, trên thế giới, quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ đã đặt ra yêu cầu khẳng định bản sắc văn hoá với tư cách một yếu tố nhận diện quốc gia của nhiều nước. Bên cạnh đó, những mặt trái của toàn cầu hoá (như bất ổn kinh tế, xã hội, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, v.v) cũng là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm chỗ dựa tinh thần trong các tín ngưỡng, tôn giáo bản địa. Các yếu tố trên góp phần đưa đến sự trỗi dậy của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo bản địa trên thế giới. Tại Việt Nam, bắt đầu từ cuối thế kỷ XX đến nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ phát triển mạnh, đặc biệt là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam với sự thay đổi về chủ trương, chính sách về tôn giáo và tín ngưỡng, cùng với nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân. Đặc biệt sau khi "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam" được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh năm 2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ ngày càng phát triển cả về số lượng đền phủ và tín đồ theo tín ngưỡng ngày càng đông. Bài viết này tập trung vào các câu hỏi sau Tôn giáo bản địa trên thế giới tồn tại và trỗi dậy như thế nào? Tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ của người Việt Nam phát triển có đặc điểm nào tương đồng với tôn giáo bản địa trên thế giới? Chúng tôi phân tích các dữ liệu thu thập thông qua các tài liệu thứ cấp trong và ngoài nước và những tài liệu thực địa trong khoảng thời gian từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021 để trả lời các câu hỏi nêu trên.