Khảo sát tỉ lệ trầm cảm và các yếu tố liên quan ở bệnh nhân suy tim đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp. Phương pháp Thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên đối tượng người bệnh suy tim đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp với điều kiện không có bệnh lý tâm thần và đồng ý tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân được tiến hành khám lâm sàng để xác định tỷ lệ trầm cảm theo tiêu chuẩn của ICD-10. Lượng giá mức độ trầm cảm bằng thang HAM D - 17 của tác giả Max Hamilton (nằm trong danh mục kĩ thuật của Bộ Y tế) với tổng điểm từ 8 điểm trở lên được xem là có trầm cảm, sau khi thu số liệu và xử lý số liệu chúng tôi tiến hành phân tích và bình luận kết quả, từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý. Kết quả Trong nghiên cứu của chúng tôi tỉ lệ trầm cảm trên bệnh nhân suy tim điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp là 37,3 %, trong đó 27,3% mức độ nhẹ, 7,3 % ở mức độ trung bình và 2,7% ở mức độ nặng. Có 4 yếu tố liên quan đến trầm cảm trên bệnh nhân suy tim là nơi sinh sống, kinh tế gia đình, mức độ suy tim và vận động thể dục. Kết luận Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh suy tim là 37,3 %, tương đối phù hợp với một số nghiên cứu khác, bệnh nhân có vận động thể dục phù hợp sẽ làm giảm nguy cơ mắc trầm cảm xuống 0,33 lần.