Quá trình canh tác lâu dài trong vùng đê bao (không xả lũ), hiệu quả sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá hiện trạng canh tác và hiệu quả tài chính của việc canh tác lúa trong và ngoài đê bao ở vùng đất phèn và đất phù sa cổ của tỉnh An Giang. Nghiên cứu được thực hiện tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn và xã An Nông, huyện Tịnh Biên. Tại mỗi huyện phỏng vấn ngẫu nhiên 60 nông hộ có hoạt động sản xuất lúa trong và ngoài đê bao. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng chi phí bình quân sản xuất một vụ lúa của mô hình lúa 3 vụ trong đê bao cao hơn có ý nghĩa thống kê so với mô hình lúa 2 vụ ngoài đê ở cả 2 điểm nghiên cứu Tri Tôn và Tịnh Biên, trong đó chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là cao nhất. Chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong vùng canh tác lúa 3 vụ (trong đê) cao gấp 1,48 lần tại Tri Tôn và 1,15 lần tại Tịnh Biên so với vùng canh tác lúa 2 vụ (ngoài đê). Tổng lợi nhuận bình quân 1 vụ lúa của mô hình canh tác lúa 2 vụ cao hơn mô hình canh tác lúa 3 vụ tại Tri Tôn là 3.410.822 đồng/ha/vụ, và Tịnh Biên là 2.867.819 đồng/ha/vụ.