Trong nghiên cứu này, loài Ô đầu (Aconitum carmichaelii Debeaux), một cây dược liệu quý, thu thập từ Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Việt Nam được khảo sát khả năng tái sinh in vitro và cảm ứng rễ tơ. Môi trường tối ưu cho cảm ứng đa chồi từ đoạn thân là MS + saccharose 30 g L-1 + agar 9 g L-1 + BAP 1,5 mg L-1 cho 4,57 chồi/mẫu cấy. Số rễ tối đa trên mỗi chồi sau 8 tuần nuôi cấy đạt được ở môi trường MS có bổ sung IBA 0,5 mg L-1 là 2,70 ± 0,04 (rễ /chồi). Rễ tơ được tạo ra từ đoạn rễ in vitro sau khi được nhiễm bởi Agrobacterium rhizogenes ATTC 15834 và nuôi cấy trên MS + saccharose 30 g L-1 + cefotaxime 500 mg L-1 + AS 100 μmol L-1. Khối lượng rễ tơ tươi cao nhất thu được trong môi trường lỏng ở điều kiện nuôi lắc là 3,22 g. Sau 6 tuần, khối lượng rễ tơ đã tăng gấp 5,85 lần so với khối lượng ban đầu. Hệ thống tái sinh in vitro sẽ được sử dụng trong phân tích biểu hiện gen, và các dòng rễ tơ sẽ được sử dụng để thu nhận các hợp chất có hoạt tính sinh học.