Du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã và đang trở thành loại hình du lịch có ưu thế phát triển tại các vùng nông thôn trên thế giới và tại Việt Nam. Ở đó, cộng đồng địa phương là chủ thể chính khai thác tài nguyên du lịch để hình thành nên sản phẩm du lịch cung cấp cho du khách và được phân chia một cách công bằng các lợi ích từ hoạt động du lịch. Dựa trên lợi thế tiềm năng du lịch độc đáo, cộng đồng địa phương và các bên liên quan trên địa bàn đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang tích cực phát triển DLCĐ gắn với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiện trạng phát triển DLCĐ trên đảo Lý Sơn đã bộc lộ rõ nét nhiều hạn chế về sự kém hiệu quả, thiếu tính bền vững trong khai thác tài nguyên du lịch cũng như chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các công trình nghiên cứu về du lịch bền vững khá phổ biến trên thế giới, tuy vậy, việc nghiên cứu cụ thể trên các đảo, đặc biệt các đảo tại Việt Nam còn ít được đề cập tới. Với phương pháp phỏng vấn sâu, điền dã dân tộc học và quan sát tham dự theo hướng tiếp cận phát triển cộng đồng dựa vào nội lực có sẵn (Assets-Based Community Development) - ABCD, nghiên cứu này tiến hành phân tích tiềm năng, thực trạng phát triển DLCĐ trên địa bàn đảo Lý Sơn, từ đó khuyến nghị các định hướng phát triển theo hướng bền vững trên 3 góc độ về hiệu quả kinh tế, về nâng cao năng lực cộng đồng, và về bền vững môi trường.