Đặc điểm đặc trưng của bốn loại đất phù sa ở vùng đồng lụt ven sông của tỉnh An Giang là hàm lượng phù sa và độ xốp cao, nhiều dinh dưỡng và chua nhẹ. Nghiên cứu đã ghi nhận 230 loài thực vật gồm 80 loài hoang dã và 150 loài được trồng, các loài này chủ yếu là cây thuốc và cây ăn được. Họ Fabaceae, Poaceae, Asteraceae, Cucurbitaceae là những họ đa dạng nhất. Các loài cây gỗ đa dạng nhất ở đất phù sa bồi, trong khi các loài thân thảo có sự giàu loài nhất ở đất phù sa không được bồi nhưng đa dạng nhất ở đất phù sa gley. Phân tích RDA cho thấy đất và con người tác động gần như là ngang nhau đến hiện trạng đa dạng thực vật (7,0% biến giải thích là đất, 6,1% là do hoạt động của con người và 12,6% là do sự kết hợp giữa yếu tố đất và người). Độ xốp và lượng thịt ảnh hưởng đến sự đa dạng thực vật ở đất phù sa bồi và đất phù sa không được bồi, trong khi lượng sét ảnh hưởng đến sự đa dạng ở đất phù sa gley và đất phù sa có tầng loang lỗ. Tập tính canh tác và sở thích trồng cây của người dân địa phương làm tăng sự đa dạng của cây thân gỗ trong khi các biện pháp kiểm soát cỏ dại và làm đất đã làm giảm sự đa dạng của cây thân thảo ở vùng đồng lụt ven sông., Thông tin tác giả, Nguyễn Thị Hải Lý1* và Lư Ngọc Trâm Anh2, 1Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Đồng Tháp, 2Khoa Sư phạm Lý - Hóa - Sinh, Trường Đại học Đồng Tháp, *Tác giả liên hệ nthly@dthu.edu.vn, Lịch sử bài báo, Ngày nhận 20/03/2020
Ngày nhận chỉnh sửa 18/05/2020
Ngày duyệt đăng 29/08/2020