Mục tiêu nghiên cứu nhằm đánh giá một số chỉ tiêu kỹ thuật trong nhà nuôi chim yến và năng suất, chất lượng tổ yến tại tỉnh Bình Dương. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2021 đến tháng 12/2021. Khảo sát 200 nhà nuôi chim yến được chọn ngẫu nhiên từ các nhà nuôi chim yến của tỉnh (khoảng 20-30% số nhà/đơn vị hành chính). Sử dụng phương pháp đánh giá nhanh có sự tham gia của người dân (PRA - Participatory Rural Apraisal). Kết quả cho thấy, số lượng nhà nuôi chim yến tăng nhanh từ năm 2016 đến 2021 dù chưa được địa phương cấp phép xây dựng với kết cấu đa dạng từ một đến năm tầng. Nhiều nhất là loại nhà hai tầng chiếm 42,0% trong khi đó nhà nuôi chim yến có từ bốn đến năm tầng chiếm 10,0%. 100% nhà nuôi chim yến đều lắp đặt và sử dụng hệ thống dẫn dụ bằng âm thanh, trong đó có khoảng 89,0% số hộ kết hợp thêm với các phương pháp dẫn dụ khác. Các thiết bị đo lường và kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ, âm thanh, ánh sáng được trang bị và lắp đặt theo khuyến cáo của các nghiên cứu trong và ngoài nước. Trung bình mỗi Nhà nuôi chim yến cho thu hoạch 5,8 lần/năm với năng suất tổ yến thu hoạch lần gần nhất trung bình là 10,2g/m2 /lần. Chất lượng tổ yến thô loại I (>
9g/tổ) chiếm 27,87%, loại II (7-9g/tổ) 49,44% và loại III (<
7g/tổ) 22,69%. Nhiệt độ, ẩm độ, cường độ ánh sáng và tần số âm bên trong nhà nuôi chim yến ở Bình Dương được điều chỉnh dựa vào các thiết bị tiên tiến tạo môi trường phù hợp với đặc điểm sinh lý của chim yến. Năng suất tổ yến còn có sự chênh lệch giữa các nhà nuôi chim yến, tỷ lệ tổ yến thô loại I của Nhà nuôi chim yến trong khu vực còn thấp, do kết cấu xây dựng và sử dụng các phương pháp không đồng bộ.