Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng quyết định di cư như một chiến lược sinh tồn tại các khu vực đối mặt với nhiều xung đột chính trị, biến đổi khí hậu, sự khan hiếm nghiêm trọng về tài nguyên thiên nhiên là nhu cầu cấp bách. Tại các xã thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra hiện tượng Formosa vào năm 2016 đã khiến cho hàng nghìn lao động mất việc làm phải tìm kế sinh nhai khác bằng cách di cư. Trong những năm gần đây, hiện tượng di cư lao động qua biên giới tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là đối tượng lao động không giấy tờ. Bài viết này đề cập đến vai trò của di cư đối với người dân vùng ven biển Bắc Trung Bộ. Dựa vào kết quả khảo sát thực địa ở xã Thạch Long, Thạch Trị, ThạchVăn thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, thông qua kỹ thuật phỏng vấn sâu, tác giả chỉ ra những đặc điểm của lực đẩy, lực hút, các hình thức di cư lao động và kết quả chiến lược sinh kế của các hộ gia đình tại địa phương trong bối cảnh xã hội hiện nay. Ngoài việc cải tạo và thay đổi chất lượng các nguồn lực của hộ gia đình, di cư lao động còn cho phép tái cấu trúc sinh kế hộ đa dạng và hiệu quả. Tuy nhiên, không có chiến lược nào được coi là bền vững, người lao động di cư luôn phải đối mặt với khả năng thất bại của chiến lược và với những thách thức do tình trạng pháp lý bấp bênh của họ.