Làng Việt ở Bắc Bộ đã trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Mỗi làng có những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, thành phần cư dân, thời gian hình thành, phương thức khai hoang lập làng, từ đó có những nét riêng về văn hóa. Trong bối cảnh nền sản xuất nông nghiệp ruộng nước và những áp lực về xã hội của chế độ phong kiến, các khía cạnh văn hóa của làng bộc lộ rõ nét khi nảy sinh mối quan hệ với các làng khác. Bên cạnh sự đồng thuận thể hiện rõ nhất ở kết cấu chạ và tục kết chạ, giữa các làng còn có những mâu thuẫn, căng thẳng, nhất là trong quan hệ về đất canh tác. Bài viết này cung cấp các tư liệu và nhận xét về sự đồng thuận hay mâu thuẫn trong quan hệ của các làng Việt thời phong kiến và diễn tiến của chúng từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay.