Nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của 4 nồng độ (800 ppm, 1.000 ppm, 1.200 ppm, 1.400 ppm) dung dịch dinh dưỡng thủy canh vô cơ Hydro UmatV đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng của rau cần tây trồng theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối ngẫu nhiên hoàn chỉnh (RCBD) với 4 lần nhắc lại trong nhà mái che. Kết quả cho thấy, ở nồng độ 1.200 ppm, cây cho năng suất thực thu cao nhất (439,29 kg/100 m2) so với các công thức khác trong thí nghiệm ở mức độ tin cậy 95%. Nồng độ 1.400 ppm tuy đậm đặc hơn nhưng lại cho năng suất thấp nhất tương ứng là 223,21 kg/100 m2 bởi cây có xu hướng hấp thụ nước nhiều hơn khoáng chất. Hàm lượng Nitrat (NO3-) trong rau cần tây ở các công thức giảm 1,9 - 2,3 lần sau 10 ngày cách ly trước thu hoạch và dưới ngưỡng cho phép đối với sản phẩm rau an toàn. Qua đó có thể kết luận nồng độ dung dịch dinh dưỡng 1.200 ppm là phù hợp cho canh tác rau cần tây trên hệ thống thủy canh hồi lưu.