Xác định tỷ lệ và mức độ tổn thương đường tiêu hóa ở các bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu. Đánh giá kết quả của biện pháp can thiệp dự phòng tổn thương đường tiêu hóa. Đối tượng và phương pháp Theo dõi 27 bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu tại Trung tâm Ghép tế bào gốc-Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 4 năm 2022. Nghiên cứu hồi cứu, mô tả cắt ngang. Kết quả 25/27 bệnh nhân bị viêm loét miệng trong quá trình ghép. Viêm loét miệng độ 3 chiếm 33,3%. 100% bệnh nhân buồn nôn/nôn, trong đó 33,3% bệnh nhân nôn độ 1, 29,6% bệnh nhân nôn độ 2 và 37,0% bệnh nhân nôn độ 3. Tất cả các bệnh nhân đều bị tiêu chảy, với 14,8% độ 1, 44,4% độ 2 và 40,7% độ 3. Sử dụng phương pháp làm lạnh khoang miệng giúp làm giảm mức độ viêm loét miệng và tiêu chảy, nhưng không làm giảm mức độ nôn cho bệnh nhân ghép. Kết luận Tổn thương đường tiêu hóa là biến chứng gặp ở hầu hết bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu. Theo dõi và chăm sóc của điều dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện sớm và giảm nhẹ các biến chứng của ghép.