Nghiên cứu này nhằm xác định mối quan hệ giữa khối lượng cá cái với một số chỉ tiêu sinh sản, thể tích noãn hoàng và chiều dài cá bột của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Cá tra thành thục được chọn từ bể tuần hoàn nuôi cá vỗ cá bố mẹ. Cá cái (n = 36) với khối lượng khác nhau (1,7 - 7,0 kg) được cho sinh sản nhân tạo với cùng nhóm cá đực. Kết quả cho thấy sức sinh sản thực tế (331.667 - 1.404.791 trứng/con) có mối quan hệ thuận (P <
0,01) nhưng sức sinh sản tương đối (73.849 - 255.214 trứng/kg cá cái) có mối tương quan nghịch với khối lượng cá cái (P <
0,01). Số cá cái cho sinh sản gồm 18 con và được phân chia thành 3 nhóm khối lượng (6 - 7 kg, n = 5
5 - 5,5 kg, n = 8
và 3 - 4,8 kg, n = 5) để theo dõi một số chỉ tiêu sinh sản gồm đường kính trứng, tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ nở. Kết quả nghiên cứu cho thấy đường kính trứng (1.014 - 1.024 µm), tỉ lệ thụ tinh (65,78 - 79,00%) và tỉ lệ nở (42,73 - 57,27%) của ba nhóm cá khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P >
0,05). Cá bột của nhóm cá cái trung bình và lớn có xu hướng tăng trưởng về chiều dài nhanh hơn đàn con của nhóm cá cái nhỏ và sự khác biệt này có ý nghĩa ở thời điểm mới nở, 24 và 72 giờ sau khi nở (P <
0,05). Thể tích noãn hoàng khác biệt không có ý nghĩa giữa ba nhóm cá (P >
0,05), dao động từ 0,37 đến 0,41 mm3 khi cá mới nở, giảm 62,2 - 68,3% sau 36 giờ và 83,8 - 85,4% sau 48 giờ. Nhìn chung, cá cái có khối lượng từ 5 - 7 kg cho kết quả sức sinh sản thực tế và tăng trưởng của đàn con ở 5 ngày sau khi nở tốt hơn so với nhóm cá cái nhỏ.