Thực trạng ô nhiễm tại các cảng cá của nhiều địa phương ven biển Việt Nam hiện nay có nguyên nhân từ việc xả thải nước la canh từ tàu cá trực tiếp xuống biển. Nước thải này có đặc điểm chứa lượng lớn hữu cơ và dinh dưỡng, với các chỉ số COD, tổng Nitơ, photpho cao, độ mặn cao, bị nhiễm dầu khoáng. Bài báo nghiên cứu thử nghiệm nuôi trồng vi tảo Chlorella vulgaris trong môi trường nước thải này nhằm mục đích xử lý nước thải và thu hồi sinh khối. Kết quả cho thấy, chủng vi tảo này có thể thích nghi được trong môi trường nước thải này, với độ muối <
7‰. Sau 15 ngày nuôi trồng vi tảo và thu hoạch bằng phương pháp ECF, chất lượng nước thải được cải thiện rõ rệt với các chỉ số ô nhiễm giảm trên 90%. Từ ngày thứ 10 mật độ sinh khối tảo đạt ngưỡng tối đa tương ứng 0,93g/L sinh khối khô, và nồng độ Chlorophyll a là 31,65 μg/ml.