Trong nghiên cứu này, vật liệu cấu trúc lớp P2-Na0.67Mn0.75Ni0.25O2 (NaMNO) được tổng hợp bằng phương pháp đồng kết tủa có kích thước hạt trong khoảng 2-4 mm. Kết quả phân tích phổ hấp thu nguyên tử (AAS) và phổ tán xạ năng lượng (EDS) cho thấy các nguyên tố kim loại phân bố đồng đều trong toàn bộ khối vật liệu với tỉ lệ mol Mn¸Ni là 3¸1. Tính chất điện hoá của vật liệu điện cực dương NaMNO được khảo sát trong các hệ dung môi carbonate chứa 1M NaClO4 (hoặc 1M NaPF6). Trong các loại điện giải đã khảo sát, vật liệu NaMNO thể hiện tính chất phóng sạc tốt nhất với điện giải 1M NaClO4/PC + 2% (v/v) VC, với dung lượng đầu đạt được lên đến 205,7 mAh/g (gần với dung lượng lý thuyết C = 258 mAh/g) và giữ được 63,2% dung lượng ban đầu trong suốt 60 chu kì. Từ nghiên cứu này, có thể thấy rằng chất phụ gia vinylene carbonate (VC) đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu năng của vật liệu điện cực dương NaMNO nhờ vào quá trình hình thành lớp liên diện pha rắn (SEI) bền vững qua nhiều chu kì phóng sạc. Phương pháp phổ tổng trở điện hoá (EIS) đã được sử dụng để nghiên cứu sự hình thành và biến đổi của lớp SEI qua nhiều chu kì bằng cách khảo sát các loại trở kháng thành phần của hệ trước khi phóng sạc và sau một số chu kì. Trong suốt quá trình phóng sạc, kĩ thuật chuẩn độ điện thế (GITT) được sử dụng để tính toán hệ số khuếch tán ion Na+, từ đó có thể thấy được hệ số khuếch tán ion Na+ tăng rõ rệt ở vùng thế hoạt động của các cặp oxy hoá khử Mn3+/Mn4+ và Ni3+/Ni4+.