Khảo sát tình trạng mô gân bảo quản tại Lab Công nghệ mô ghép - Trường Đại học Y Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020. Phương pháp Nghiên cứu hồi cứu, mô tả cắt ngang trên tất cả các mẫu gân được bảo quản tại Lab công nghệ mô ghép - Trường Đại học Y Hà Nội trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020. Kết quả Có 2139 mẫu mô gân được bảo quản trong đó có 2012 (94,1%) mẫu đã được sử dụng. Tỉ lệ bảo quản gân Achille và gân bánh chè chiếm cao nhất 2 năm 2010 và 2011 (60% và 32%), nhưng giảm dần trong những năm gần đây (năm 2020 là 9,7% và 4,3%). Trong khi đó, gân cẳng tay, từ năm 2010 và 2011 còn chưa được bảo quản tới năm 2020 tỷ lệ này tăng lên là 29,7%. Gân cẳng chân có sự tăng mạnh từ 4% trong năm 2010 lên 56,2% năm 2020 đặc biệt năm 2019 còn chiếm tới 80,9%. Tỷ lệ các loại mô gân được sử dụng qua các năm có sự thay đổi lớn, gân Achille và gân bánh chè năm 2010 (64% và 32%), năm 2011 (69,9% và 18,5%) có tỷ lệ được sử dụngcao thì tới năm 2020 tỷ lệ này giảm đáng kể chỉ còn 6% gân Achille và 0% gân bánh chè được sử dụng. Trái lại, năm 2010 chỉ có 4% gân cẳng chân, chưa có gân cẳng tay được sử dụng, thì tới năm 2020 tỷ lệ này lần lượt là 60,7% và 33,3%. Kết luận Trong giai đoạn 2010 - 2020, các mẫu mô gân đồng loại được bảo quản theo quy trình lạnh sâu tại Lab Công nghệ mô ghép - Trường đại học Y Hà Nội khá đa dạng, nhiều loại mô gân được thu nhận, xử lý bảo quản và tỉ lệ sử dụng mô gân được sử dụng cao. Mô gân Achille và gân bánh chè bảo quản và sử dụng có xu hướng giảm, trong khi gân cẳng tay và đặc biệt là gân cẳng chân ngày càng được bảo quản và sử dụng nhiều do những thay đổi về quan điểm trong thực hành lâm sàng ngoại khoa.