Nghiên cứu nhằm mô tả các đặc điểm lâm sàng, hình ảnh và đánh giá hiệu quả của kỹ thuật nút động mạch lách trong điều trị chấn thương lách. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu mô tả 49 bệnh nhân chấn thương lách được điều trị bảo tồn bằng nút mạch tại bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 2 năm 2019. Kết quả Hầu hết bệnh nhân chấn thương lách có triệu chứng đau bụng vùng hạ sườn trái (67,3%) và huyết động ổn định khi vào viện (83,7%). Trên x quang bụng không chuẩn bị, dấu hiệu hay gặp nhất là mờ vùng thấp ổ bụng và bóng lách to (tương ứng 76,9% và 53,8%). Dịch tự do ổ bụng và đụng dập nhu mô là dấu hiệu được ghi nhận nhiều nhất (tương ứng 87,8% và 63,3%) trên siêu âm. Theo phân độ của Hiệp hội phẫu thuật chấn thương Mỹ (AAST) năm 1994, gồm có 1 (2,1%) độ I, 7 (14,7%) độ II, 20 (41,6%) độ III, 20 (41,6%) độ IV. Tỷ lệ thành công ở lần nút mạch đầu tiên đạt 95,9%. Trong số 22 bệnh nhân phải truyền máu, lượng máu truyền trung bình là 1,28 ±2,02 đơn vị. Thời gian nằm viện trung bình là 10,8±6,7 ngày. Các biến chứng nhẹ thường gặp như sốt hoặc đau vùng lách (tương ứng 28,6% và 20,4%), không có bệnh nhân nào có biến chứng nặng cần xử trí. Kết luận Chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT-Multislice Computer Tomography) là thăm khám hình ảnh có giá trị nhất trong chẩn đoán chấn thương lách. Nút động mạch lách là phương pháp điều trị an toàn, đạt tỷ lệ thành công cao trong điều trị bảo tồn chấn thương lách.