Mục đích của việc thiết lập các biện pháp bảo đảm tiền vay của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là nhằm phòng tránh rủi ro, bảo toàn nguồn vốn ngân sách được Nhà nước giao trong hoạt động cho vay đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu của địa phương. Hai trong số các biện pháp bảo đảm tiền vay phổ biến được sử dụng là thế chấp tài sản của chủ đầu tư dự án và thế chấp bằng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay. Tuy nhiên, do các vướng mắc hiện tại của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, dẫn đến việc thực hiện hoạt động bảo đảm tiền vay bằng 2 biện pháp này của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương gặp khó khăn.Bài viết dựa trên quan sát thực tiễn từ quy chế cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương đối chiếu với quy định hiện hành của các văn bản luật có liên quan để nhằm chỉ rõ các vướng mắc và đề xuất hướng hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề này.