Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu đặc điểm tái sinh các loài cây gỗ của 5 kiểu rừng với 18 quần xã thực vật rừng (QXTV) đặc trưng trên núi đá vôi tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà. Ở khu vực vùng lõi, mật độ cây tái sinh các kiểu rừng dao động từ 6.833 - 15.000 cây/ha, trong đó mật độ cây tái sinh chiều cao >
100 cm từ 1.833 - 3.500 cây/ha. Tổ thành loài dao động từ 7 - 17 loài trên các quần xã, trong đó có từ 5 - 9 loài tham gia vào công thức tổ thành. Ở khu vực vùng đệm, mật độ cây tái sinh tại các kiểu rừng dao động từ 5.500 - 8.333 cây/ha, trong đó mật độ cây tái sinh có chiều cao >
100 cm dao động từ 1.500 - 2.500 cây/ha. Tổ thành loài dao động từ 7 - 12 loài và có từ 5 - 8 loài tham gia vào công thức tổ thành. Tỷ lệ cây tái sinh triển vọng dao động từ 9 - 23%. Về đa dạng sinh học, phát hiện được 75 loài cây gỗ. Chỉ số SI giữa thảm thực vật rừng thứ sinh bị tác động I.Đk1 và I.Np1 - 1 cao nhất (0,52) so với chỉ số SI giữa các kiểu rừng khác. Chỉ số Margalef (d1) dao động từ 13,60 - 33,59, chỉ số Menhinik (d2) dao động từ 1,41 - 2,10, chỉ số Simpson dao động từ 0,05 - 0,10, chỉ số Shanon dao động từ 2,47 - 3,21. So sánh các chỉ số này với kết quả nghiên cứu chỉ số Rẽnyi cho thấy các trạng thái I.Đk1, I.Np1 - 1, có độ đa dạng và đồng đều về số lượng cao hơn trạng thái I.Np1 - 2 (vùng lõi), I.Np1 - 2 (vùng đệm), I.Np2 - 1 và I.Np2 - 2. Trạng thái I.Đk1 có độ đa dạng và đồng đều giữa các loài thực vật cao nhất.