Xác định các đặc điểm trước phẫu thuật, đặc điểm trong phẫu thuật và kết quả điều trị ban đầu của các trường hợp u não nhập Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang mô tả trên 102 trẻ mắc u não được phẫu thuật và điều trị hậu phẫu tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 từ 01-01-2018 đến 31-12-2020. Kết quả: Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận độ tuổi lúc phẫu thuật trung bình là 7,3 ± 3,8 tuổi với nam chiếm tỷ lệ 56,9%. 82/102 bệnh nhi có GCS 15 điểm tại thời điểm phát hiện bệnh. Hai triệu chứng thường gặp nhất là đau đầu (80,4%) và nôn ói (62,7%). 47,1% các trường hợp u não được chẩn đoán ở vị trí dưới lều và u sao bào độ thấp phổ biến nhất với tỷ lệ 31,7%. Hơn 86% các trường hợp u não được phẫu thuật lấy gần trọn u. Tỷ lệ tử vong là 2,9%. Các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật: rối loạn điện giải (51%), nhiễm trùng (23,5%), xuất huyết (18,6%), khiếm khuyết thần kinh mới (13,7%) và co giật (2,9%). Thời gian điều trị tại Khoa Hồi sức trung bình là 2,5 ngày với 56,9% bệnh nhi điều trị >
1 ngày. Ba yếu tố tiên đoán dương liên quan với thời gian điều trị tại Khoa Hồi sức >
1 ngày: vị trí u nhóm 2 bao gồm u trên yên, u tuyến tùng, u đồithị (OR = 4,2, 95%CI 1,07-16,77, p = 0,04), rối loạn điện giải (OR = 3,3, 95%CI 1,20-9,27, p = 0,02) và ước tính lượng máu mất (OR = 1,09, 95%CI 1,00-1,18, p = 0,04). Những bệnh nhi có xuất huyết sau phẫu thuật trải qua thời gian thở máy kéo dài hơn nhóm không xuất huyết gấp 5,6 lần (p = 0,01). Kết luận: Hai triệu chứng thường gặp nhất của bệnh nhân u não lúc nhập viện là đau đầu và nôn ói. U sao bào độ thấp là loại giải phẫu bệnh phổ biến nhất. Cần theo dõi sát các biến chứng sau phẫu thuật, đặc biệt là rối loạn điện giải, nhiễm trùng và xuất huyết.