Nghiên cứu nhằm xác định lượng lân phù hợp cho cây mè trong trường hợp bổ sung vi khuẩn vùng rễ và nội sinh hoà tan lân. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên bao gồm mười nghiệm thức: (i) Bón 100% P theo khuyến cáo (KC), (ii) Bón 80% P theo KC, (iii) Bón 60% P theo KC, (iv) Bón 40% P theo KC, (v) Nghiệm thức ii và hỗn hợp vi khuẩn vùng rễ hòa tan lân (HH-VR-P), (vi) Nghiệm thức iii và HH-VR-P, (vii) Nghiệm thức iv và HH-VR-P, (viii) Nghiệm thức ii và hỗn hợp vi khuẩn nội sinh hòa tan lân (HH-NS-P), (ix) Nghiệm thức iii và HH-NS-P, (x) Nghiệm thức iv và HH-NS-P, trên đất phù sa trong đê thu tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, với bốn lần lặp lại, mỗi lặp lại là một chậu. Kết quả cho thấy bón 80% P theo khuyến cáo có bổ sung HH-VR-P hoặc HH-NS-P giúp cải thiện hàm lượng lân dễ tiêu trong đất, trong khi đó bổ sung HH-VR-P hoặc HH-NS-P tăng hấp thu lân trong cây. Bón 80% P theo KC có bổ sung HH-VR-P hoặc HH-NS-P đã giúp tăng chiều cao cây (9,5 và 10 cm), số trái mè trên cây (1,39 và 1,59 trái/cây) và năng suất hạt mè (44,6 và 42,2%) so với bón 80% P theo KC. Bổ sung HH-VR-P hoặc HH-NS-P đều giúp giảm 20% P vẫn đảm bảo được chiều cao cây, số trái trên cây và năng suất hạt mè.