Trong nuôi cấy mô tế bào thực vật, sắt là một trong những nano kim loại được sử dụng đầu tiên trên cây trồng. Trong nghiên cứu này, nano sắt (FeNPs) được sử dụng để thay thế muối Fe-EDTA trong môi trường nuôi cấy MS nhằm đánh giá ảnh hưởng của chúng lên sự sinh trưởng, khả năng tích lũy chlorophyll (a, b và a+b), hoạt tính các enzyme chống oxy hóa SOD, APX và khả năng thích nghi ở điều kiện vườn ươm trong các hệ thống nuôi cấy khác nhau (nuôi cấy in vitro môi trường rắn, thủy canh in vitro và vi thủy canh). Kết quả nhận được cho thấy, bổ sung FeNPs vào môi trường nuôi cấy MS cho hiệu quả sinh trưởng, tích lũy chlorophyll, hoạt tính các enzyme chống oxy hóa SOD và APX tốt hơn so với bổ sung muối Fe-EDTA. Hiệu quả tác động của FeNPs có sự khác biệt giữa các hệ thống nuôi cấy khác nhau. Trong hệ thống nuôi cấy in vitro môi trường rắn và vi thủy canh nồng độ tối ưu là 75 mM và hệ thống thủy canh in vitro là 100 mM FeNPs. Hoạt tính của enzyme chống oxy hóa SOD (35,04 U.mg−1 prot) tối ưu nhất thu nhận trong rễ cây nuôi cấy trong hệ thống vi thủy canh
trong khi đó, hoạt tính của enzyme chống oxy hóa APX (2,11 μmol.min−1.mg−1 prot) tối ưu nhất thu nhận trong lá của cây nuôi cấy trong môi trường rắn. Khi chuyển cây ra điều kiện vườn ươm, cây có nguồn gốc nuôi cấy vi thủy canh bổ sung FeNPs ở nồng độ 100 mM cho tỷ lệ sống sót cao nhất (94,7%). Kết quả của nghiên cứu này cho thấy FeNPs có thể thay thế được ion sắt Fe-EDTA trong môi trường MS và thiếu sắt trong môi trường nuôi cấy sẽ làm giảm hàm lượng chlorophyll.