Hiện nay, các hệ thống dự báo lũ trên thế giới đã tích hợp nhiều nguồn dữ liệu mưa là sản phẩm ra đa, vệ tinh để bổ sung và kết hợp với mưa thực đo được phát triển phổ biếntại các cơ quan khí tượng thủy văn ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc...Báo cáo này sẽ trình bày kết quả tính toán dòng chảy lũ trên dòng chính sông Mã dựa trên nghiên cứu ứng dụng mô hình thủy văn IFAS của Viện nghiên cứu công chính Nhật PWRI. Nguồn dữ liệu đầu vào mô hình là mưa thực đo và sản phẩm mưa vệ tinh GSMaP_NRT. Kết quả tính toán cho thấy với mạng lưới trạm thưa thớt, việc mô phỏng dòng chảy lũ cho các vị trí khu vực trung và thượng lưu sông Mã là không tốt với cả hai nguồn số liệu mưa thực đo và mưa vệ tinh. Khi so sánh các kết quả tính toán, một số trường hợp việc sử dụng mưa vệ tinh cho kết quả khả quan hơn khi sử dụng mưa thực đo, đây là tiền đề cân nhắc việc áp dụng số liệu mưa vệ tinh trong tính toán dòng chảy lũ cho những vùng không có hoặc ít trạm đo như khu vực trung và thượng lưu sông Mã.