Bệnh động kinh gây hậu quả là cơn động kinh và có thể gây tổn thương các chức năng cao cấp của não trong đó có chức năng trí nhớ. Điều này dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống đối với bệnh nhân động kinh. Mục tiêu: Mô tả đặc điểm lâm sàng suy giảm chức năng trí nhớ trên bệnh nhân động kinh trưởng thành. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 144 bệnh nhân được chẩn đoán động kinh theo tiêu chuẩn của Liên hội chống động kinh quốc tế (International League Against Epilepsy) tại bệnh viện Bạch Mai từ tháng 07 năm 2020 đến tháng 07 năm 2021. Kết quả: Có 78 bệnh nhân nam và 66 bệnh nhân nữ với độ tuổi trung bình là 44,2 ± 9,1.Độ tuổi khởi cơn động kinh lần đầu hay gặp nhất ở nhóm dưới 18 tuổi, sau 60 tuổi thì tỷ lệ này cũng có xu hướng tăng lên. Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu, bệnh nhân xuất hiện cơn động kinh cục bộ đơn thuần là nhiều nhất (38,9%,), số lượng bệnh nhân xuất hiện cơn cục bộ phức hợp ít nhất (11,1%). Tỷ lệ bệnh nhân động kinh bị suy giảm trí nhớ là 34,0%, trong đó nam giới chiếm 33,3%, nữ giới chiếm 34,8%, không có sự khác biệt về tỉ lệ suy giảm trí nhớ ở 2 giới.Bệnh nhân có tần suất cơn động kinh dày tỷ lệ bị suy giảm trí nhớ là 58,3%, bệnh nhân bị bệnh kéo dài trên 5 năm tỷ lệ suy giảm trí nhớ là 55,8%. Kết luận: Trong nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân động kinh có tỷ lệ suy giảm trí nhớ tương đối cao, chiếm 34,0%. Bệnh nhân có thời gian mắc bệnh càng lâu, tần suất xuất hiện cơn động kinh càng dày thì tỷ lệ suy giảm trí nhớ càng cao, vì vậy cần có sự can thiệp điều trị tích cực hơn ở nhóm này.