Mô tả một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật tắc ruột do bã thức ăn ở trẻ em tại bệnh viện Nhi Trung Ương, giai đoạn 2017 - 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả, hồi cứu bao gồm tất cả các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán sau mổ tắc ruột do bã thức ăn từ 01/2017 đến 12-2021 tại bệnh viện Nhi Trung Ương. Kết quả: 40 ca tắc ruột do bã thức ăn, bao gồm 17 nam và 23 nữ. Tuổi thường gặp 7-15 tuổi. Tỉ lệ nữ/nam là 1,3/1. Triệu chứng lâm sàng đau bụng (chiếm 92.5%), trong đó đau bụng cơn chiếm 75% , nôn (chiếm 95%) trong đó nôn dịch vàng chiếm 74%. Hình ảnh tắc ruột rõ trên XQ bụng không chuẩn bị là 85%, 15% còn hình ảnh hơi trong đại tràng. Trên siêu âm ổ bụng, hình ảnh mô tả tắc ruột chiếm 50%. Tính chất diễn biến bán cấp và không hoàn toàn thể hiện qua sự thay đổi diễn biến của các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. 13/40 bệnh nhân được phẫu thuật nội soi, chưa xử trí tổn thương hoàn toàn bằng dụng cụ nội soi, mà hỗ trợ bởi đường rạch nhỏ trên rốn. Biểu hiện tắc ruột rõ trong lúc mổ là 100%. Vị trí bã thức ăn ở hồi tràng chiếm tỷ lệ cao nhất (77.5%). Xử lý tổn thương: Dồn bã thức ăn xuống đại tràng chiếm đa số trường hợp (85%), còn lại mở ở dạ dày (12.5%) và mở ruột non lấy bã thức ăn (2.5%). Kết quả điều trị giai đoạn sớm tốt: Thời gian trung tiện sau mổ trung bình 2.03±0.15 ngày, thời gian nằm viện sau mổ trung bình 4,72±0.28 ngày. Biến chứng sau mổ: 2 trường hợp nhiễm khuẩn vết mổ và 3 trường hợp viêm ruột. Các biến chứng nhẹ và không cần can thiệp ngoại khoa. Kết luận: Tắc ruột do bã thức ăn ở trẻ em là một bệnh lý tắc ruột cơ học do nguyên nhân trong lòng ruột, bệnh diễn biến bán cấp. Xử trí tổn thương chủ yếu bằng phương pháp dồn bã thức ăn xuống đại tràng. Kết quả điều trị sớm tương đối tốt. Phẫu thuật nội soi xử trí thương tổn vẫn còn là kỹ thuật cần được xem xét và hoàn thiện.