Nha đam là loại cây nhiệt đới, phát triển nhiều ở Việt Nam và được sử dụng trong rất nhiều ngành như dược liệu, thực phẩm và y học. Bài báo trình bày kết quả chế tạo màng composite từ chiết suất cây nha đam (Aloe vera - AV) và polyvinyl alcohol (PVA) bằng phương pháp đông lạnh-rã đông. Đây là một phương pháp đơn giản và dễ thực hiện, bao gồm quá trình đông lạnh ở nhiệt độ âm (dưới -20 ◦C), sau đó rã đông ở nhiệt độ phòng (25 ◦C) và thực hiện vài chu kỳ liên tiếp để tạo thành vật liệu dạng màng. Màng composite AV−PVA được phân tích và đánh giá về cơ tính (bằng phương pháp đo kéo), thành phần hóa học (bằng phổ hồng ngoại biến đổi Fourier), và hình thái học (bằng kính hiển vi điện tử quét). Kết quả cho thấy màng composite AV−PVA tạo thành có kết khối tốt, với hàm lượng nha đam cao với AV:PVA đạt tỷ lệ thể tích 1:1. Màng composite với 25% (v/v) nha đam có độ giãn dài cao (khoảng 317,8%), độ bền kéo 10,45 MPa và mô đun đàn hồi 3,29 MPa. Phổ FT-IR cho thấy màng composite AV−PVA chứa các nhóm chức đặc trưng cho PVA và cả AV. Ngoài ra, màng composite có các lỗ xốp trên bề mặt. Kết quả nghiên cứu cho thấy màng composite này là một vật liệu thân thiện với môi trường và có tiềm năng cao trong ứng dụng làm màng lọc nước hoặc trong lĩnh vực y sinh.