Đánh giá kết quả điều trị bước 2 ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IV có đột biến T790M thứ phát bằng Osimertinib. Đối tượng, phương pháp: Nghiên cứu mô tả hồi cứu kết hợp tiến cứu trên 22 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IV có đột biến EGFR tiến triển sau điều trị EGFR-TKIs thế hệ 1,2, xuất hiện đột biến kháng thuốc thứ phát T790M được điều trị bằng Osimertinib tại bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng từ tháng 03/2020 đến hết tháng 11/2022, theo dõi đến hết tháng 6/2023. Kết quả: Tỷ lệ đáp ứng khách quan của Osimertinib trong điều trị bước 2 là 72,7%, tỷ lệ kiểm soát bệnh là 86,4%. Trung vị thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS) là 10 tháng. Tác dụng không mong muốn thường gặp nhất khi điều trị bằng Osimertinib là ban da (36,4%), tiêu chảy (31,8%), khô da (22,7%), viêm quanh móng (18,2%), viêm niêm mạc miệng (13,6%). Phần lớn các tác dụng không mong muốn này ở mức độ nhẹ, không bệnh nhân nào phải giảm liều hay gián đoạn điều trị. Kết luận: Osimertinib có hiệu quả cao và an toàn trong điều trị bước 2 trong ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IV có đột biến T790M thứ phát.