Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang có ngày càng nhiều hơn các giao dịch cũng như các nghiệp vụ kinh tế phát sinh liên quan đến ngoại tệ. Chuẩn mực kế toán số 10 (VAS 10) và thông tư hướng dẫn ra đời không chỉ có tác dụng đưa ra một phương pháp hạch toán ngoại tệ trong các doanh nghiệp một cách thuận lợi mà còn góp phần đưa việc xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái tại Việt Nam đến gần hơn với các thông lệ kế toán được chấp nhận phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó, Thông tư số 200/2014/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp ra đời là sự tổng hợp và hoàn thiện chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam sau khi ban hành các chuẩn mực kế toán Việt Nam và các thông tư hướng dẫn, đã giúp cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi lĩnh vực hoạt động có thể nhất thể hóa công tác kế toan nhằm nâng cao tính minh bạch trong công tác kế toán, đảm bảo tính so sánh trong nền kinh tế quốc dân. Các văn bản trên đã tạo ra khuôn khổ pháp lý về kế toán ngoại tệ trong doanh nghiệp khá hoàn chỉnh, hài hòa ở mức độ khá cao với thông lệ quốc tế, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích những điểm hạn chế và đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện hoạt động kế toán ngoại tệ trong các doanh nghiệp.