Bài viết này nghiên cứu các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm giảm thiểu rủi ro do lũ quét. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy thứ bậc (Ordered Logit) với biến tiềm ẩn Hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, lũ quét được đo lường theo mô hình thang đo thành phần (Formative Measurement). Số liệu được thu thập từ ủy ban Nhân dân các tỉnh, kết hợp với 407 mẫu phiếu bán cấu trúc phỏng vấn trực tiếp cán bộ cấp xã, trưởng thôn, trưởng bản và người sống lâu năm tại các địa điểm được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng theo cấp độ rủi ro thuộc 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả cho thấy nhóm yếu tố xã hội, chính sách, kinh tế, và quản lý có tác động không đồng đều và với biên độ thấp. Tuy nhiên, yếu tố công trình chống lũ, cái tạo địa hình, thể chế, môi trường, và công nghệ có tác động đáng kể ở tất cả các điểm lũ quét tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong đó, cải cách thể chế quản lý là rất quan trọng và nên được thực hiện kết hợp với tổ chức quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.