Nghiên cứu này được thực hiện để xác định sự lưu hành của mầm bệnh cầu trùng và các triệu chứng lâm sàng bệnh gây ra trên vịt được nuôi tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022, 620 mẫu phân được thu từ 124 hộ và trang trại nuôi vịt đã được xét nghiệm bằng phương pháp phù nổi (Fulleborn). Sau đó, vịt dương tính với noãn nang cầu trùng và có triệu chứng lâm sàng của bệnh được mổ khám để kiểm tra bệnh tích đại thể. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng tại các hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 58,87%. Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy các yếu tố về độ tuổi của vịt, phương thức nuôi và phương thức cho ăn có ảnh hưởng đến tỷ lệ nhiễm mầm bệnh cầu trùng. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của vịt bị nhiễm bệnh cầu trùng là còi cọc và có bất thường về phân (phân lỏng/sáp/có máu hoặc niêm mạc ruột). Như vậy, cần có sự quan tâm tới việc kiểm soát bệnh cầu trùng trên đàn vịt, không chỉ để nâng cao hiệu quả chăn nuôi mà còn giúp hạn chế sự lây truyền mầm bệnh cho các loài động vật cảm nhiễm khác