Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý thường gặp ở người lớn. Tại Việt Nam hiện tại chưa có nghiên cứu cụ thể về tỉ lệ mắc cũng như các biến chứng ở trẻ em. Do bệnh diễn tiến trong thời gian dài, phần lớn triệu chứng không rõ ràng và tâm lý chủ quan cho rằng bệnh ít gặp ở trẻ em nên việc phát hiện và điều trị chưa được chú trọng, dẫn đến việc bệnh nhân đến khám trễ vì những biến chứng muộn như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị. Bệnh nhân nam 13 tuổi, nhập viện vì co giật, ói, qua khám lâm sàng và làm xét nghiệm ghi nhận tình trạng hạ Kali máu mạn tính mức độ nặng, thiểu dưỡng đi kèm dạ dày dãn to trên siêu âm, nội soi dạ dày phát hiện hành tá tràng có 2 ổ loét gây co kéo biến dạng gây chít hẹp, thức ăn ứ đọng không xuống được, được chẩn đoán: "Viêm loét hành tá tràng do nhiễm Hp biến chứng sẹo hẹp tắc đường tiêu hóa trên", sau khi hội chẩn các chuyên khoa quyết định điều trị nội khoa: thuốc ức chế bơm proton (PPI) tĩnh mạch, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, bù Kali. Bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị nội khoa, ra viện sau 14 ngày, tiếp tục điều trị theo phác đồ viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em, tái khám theo hẹn.