Tham gia các chương trình ngoại kiểm tra chất lượng xét nghiệm là hoạt động phòng xét nghiệm y học thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng xét nghiệm, tiến đến liên thông kết quả xét nghiệm theo lộ trình đề án "Tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025" của Thủ tướng Chính phủ [1]. Đây là hoạt động quản lý chất lượng góp phần vào tăng cường năng lực của hệthống khám - chữa bệnh, tạo thuận lợi và giảm thiểu chi phí điều trị cho bệnh nhân.Việc triển khai chương trình ngoại kiểm cần có vật liệu là mẫu ngoại kiểm tra chất lượng, được nghiên cứu, sản xuất bởi các nhà cung cấp Việt Nam và nước ngoài. Đây là thị trường mà các đơn vị cung cấp trong nước phát triển sau, còn gặp nhiều bất lợi so với tổ chức nước ngoài. Từ các lý thuyết nền tảng về lựa chọn nhà cung cấp, tác giả xây dựng thang đo sơ bộ, tiến hành nghiên cứu định tính kết hợp nghiên cứu định lượng. Thang đo được đánh giá, kiểm định bằng hệ số tin cậy Cronbach's Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Dữ liệu sau đó được đưa vào phân tích bằng phương pháp hồi quy binary logistic. Kết quả cho thấy yếu tố "Chất lượng" có tác động mạnh nhất đến quyết định lựa chọn mẫu ngoại kiểm của phòng xét nghiệm, kế đến là "Tính chất phòng xét nghiệm", "Giá cả" và "Dịch vụ". Nghiên cứu cũng cho thấy xétvề tính chất của phòng xét nghiệm, yếu tố "Công lập" hay "Tư nhân" tạo khác biệt có ý nghĩa đến quyết định lựa chọn mẫu ngoại kiểm. Từ đây, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị cho nhà cung cấp Việt Nam trong việc nghiên cứu, thiết kế mẫu ngoại kiểm và gói dịch vụ phù hợp nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho mẫu ngoại kiểm do Việt Nam sản xuất.