Nghiên cứu nhằm đánh giá tình trạng nhiễm nấm da và xác định thành phần các loài nấm da tại một số cộng đồng dân cư khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được tiến hành trên 1.645 người thuộc nhóm cộng đồng dân cư được chọn tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng bao gồm Nhóm quân đội, học sinh sinh viên, cộng đồng và phòng khám bệnh chuyên khoa ký sinh trùng (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM) từ tháng 04/2022 đến tháng 12/2022 bằng kỹ thuật soi tươi và nuôi cấy để xác định tỷ lệ nhiễm và thành phần loài nấm da. Kết quả: Tỷ lệ nhiễm nấm chung tại các điểm nghiên cứu là 1,76% (29/1.645). Nhóm có tỷ lệ nhiễm nấm da cao nhất là nhóm quân đội 5,45% (12/220), nhóm có tỷ lệ nhiễm thấp hơn là nhóm học sinh, sinh viên 1,18% (6/508). Nhóm có tỷ lệ nhiễm nấm da thấp nhất là nhóm cộng đồng 0,56% (5/900). Nhóm nấm sợi chiếm ưu thế với tỷ lệ nhiễm là 51,72% (15/29). Độ tuổi nhiễm nấm da cao nhất là từ 16-25 tuổi chiếm tỷ lệ 72% (18/29). Tỷ lệ nhiễm nấm da ở vùng kín, vùng ngực, bẹn và móng tay, tay chiếm tỷ lệ cao nhất là 24,14%.Kết quả nuôi cấy 189 mẫu bệnh phẩm bao gồm tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm nấm và trường hợp dương tính với nấm da cho thấy tỷ lệ nhiễm nấm da Dermatophytes spp. là 47,06% (8/17), Candida spp.là 41,18% (7/17), Aspergillus spp., là 11,77% (2/17). Trichophyton rubrum chiếm ưu thế, chiếm 75% (6/8) tổng số loài được phát hiện, trong khi đó loài Trichophyton mentagrophytes chỉ chiếm 25%. Không phát hiện các loài nấm da Dermatophytes spp. khác.Kết luận: Tỷ lệ nhiễm nấm da có sự khác biệt giữa các nhóm quần thể dân cư. Nhóm quần thể dân cư có điều kiện sinh hoạt chung thì tỷ lệ nhiễm nấm cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng. Cần có những biện pháp kiểm soát tình trạng nhiễm nấm da tại các nhóm cộng đồng dân cư này đồng thời hạn chế lây nhiễm chéo. Chủng nấm da Dermatophytes spp là chủng nấm gây bệnh chủ yếu trên da, trong đó loài Trichophyton rubrum chiếm ưu thế.