Đánh giá hiệu quả bổ sung lợi khuẩn Lactobacillus casei Shirota lên cải thiện tình trạng táo bón của trẻ 3 - 5 tuổi bị táo bón chức năng. Phương pháp: Nghiên cứu can thiệp cộng đồng, ngẫu nhiên, có đối chứng trên 216 trẻ bị táo bón chức năng tại 4 xã thuộc 2 huyện Yên Định và Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa được chia làm 2 nhóm (nhóm can thiệp và nhóm chứng). Các triệu chứng táo bón được thu thập trước, trong và sau can thiệp. Kết quả: Sau 12 tuần can thiệp: số lần đại tiện/1 tuần ở nhóm can thiệp tăng lên 0,5 lần so với ban đầu, ở nhóm chứng không có sự cải thiện. Tỷ lệ trẻ có phân dạng 2 ở nhóm can thiệp là 5,6% và 35,2% phân dạng 3, nhóm chứng là 8,3% phân dạng 2 và 41,7% phân dạng 3. Tỷ lệ són phân của trẻ ở nhóm can thiệp là 2,8% và 3,7% ở nhóm chứng, có sự cải thiện tốt hơn về tỷ lệ nhịn đi đại tiện ở nhóm can thiệp so với nhóm chứng. Tỷ lệ trẻ có triệu chứng phân cứng, phân to giảm rõ rệt so với nhóm chứng. Kết luận: Tình trạng táo bón của trẻ 3 - 5 tuổi bị mắc táo bón chức năng được cải thiện sau can thiệp bằng lợi khuẩn Lactobacillus casei Shirota.