Đặc điểm môi trường trầm tích biển ven bờ Móng Cái được đánh giá qua thành phần cấp hạt, pH, Eh, đồng vị phóng xạ 226Ra, 210Pb, độ muối, oxy hòa tan. Vùng biển ven bờ Móng Cái chịu ảnh hưởng từ sông Ka Long tạo nên sự biến động về độ muối, pH nước biển, pH và Eh trầm tích, thành phần cấp hạt, tốc độ lắng đọng trầm tích ở ven bờ. Có 6 loại trầm tích phân bố ở ven bờ là cát thô, cát trung, cát mịn, cát rất mịn, bột thô và bột rất thô. Cát mịn phổ biến nhất ở tầng mặt, cát rất mịn phổ biến ở cột mẫu trầm tích cửa sông Ka Long, bột thô và bột rất thô phổ biến ở cột mẫu trầm tích ở Mũi Ngọc. Tốc độ lắng đọng trầm tích trung bình ở cửa sông Ka Long (0,71 cm/năm) cao hơn so với ở Mũi Ngọc (0,27 cm/năm). Môi trường trầm tích biển ven bờ chia thành 3 nhóm, nhóm 1 ảnh hưởng của biển nhiều hơn của lục địa, nhóm 2 ảnh hưởng của lục địa nhiều hơn của biển, nhóm 3 ảnh hưởng của biển. Trong cột mẫu trầm tích chia thành 3 thời kỳ trầm tích. Thời kỳ đầu lắng đọng cát mịn, cát rất mịn và bột rất thô, từ độ sâu 52 - 80 cm ở cửa sông Ka Long và từ độ sâu 40 - 52 cm ở Mũi Ngọc. Thời kỳ giữa lắng đọng bột rất thô và bột thô, ở cửa sông Ka Long từ độ sâu 38 - 52 cm (1947 - 1877) có tốc độ lắng đọng trầm tích 0,08 - 0,31 cm/năm, ở Mũi Ngọc từ độ sâu 12 - 40 cm (1944 (12 cm)) có tốc độ lắng đọng trầm tích 0,09 cm/năm. Thời kỳ cuối lắng đọng bột rất thô, cát rất mịn, cát mịn, từ độ sâu 0 - 38 cm (2019 - 1961) ở cửa sông Ka Long có tốc độ lắng đọng trầm tích 0,34 - 1,62 cm/năm, ở Mũi Ngọc từ độ sâu 0 - 12 cm (2019 - 1966) có tốc độ lắng đọng trầm tích 0,07 - 0,51 cm/năm.