Đánh giá hiệu quả dự phòng tụt huyết áp và tác dụng không mong muốn của noradrenalin truyền tĩnh mạch liên tục so với noradrenalin tiêm bolus tĩnh mạch trong gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai. Phương pháp nghiên cứu: Với phương pháp nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên, 110 sản phụ được gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai, được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: Nhóm T: dự phòng bằng noradrenalin truyền tĩnh mạch với liều 0,05 μg/kg/phút (n = 55). Nhóm B: dự phòng bằng noradrenalin tiêm bolus tĩnh mạch 6 μg (n = 55). Cả hai nhóm đều được ghi nhận về tỷ lệ tụt huyết áp, mức độ tụt huyết áp, các tác dụng không mong muốn ở mẹ và chỉ số APGAR của trẻ sơ sinh ở thời điểm 1 phút và 5 phút. Kết quả: Có 4 sản phụ ở nhóm B được đưa ra khỏi nghiên cứu do gây tê tủy sống thất bại. Tỷ lệ tụt huyết áp, mức độ tụt huyết áp 20 - 30% huyết áp nền của nhóm T thấp hơn nhóm B. Mức độ tụt huyết áp >
30% huyết áp nền và các tác dụng không mong muốn ở mẹ chiếm tỷ lệ thấp, tương đương nhau ở cả hai nhóm. Chỉ số APGAR của trẻ sơ sinh ở cả hai nhóm ở thời điểm 1 phút là từ 8 điểm trở lên và ở thời điểm 5 phút là từ 9 điểm trở lên. Kết luận: Noradrenalin truyền tĩnh mạch với liều 0,05 μg/kg/phút có hiệu quả dự phòng tụt huyết áp sau gây tê tủy sống để phẫu thuật lấy thai tốt hơn so với noradrenalin tiêm bolus tĩnh mạch 6 μg. Cả hai nhóm dự phòng noradrenalin ít gây tác dụng không mong muốn đáng kể đối với mẹ và con.