Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và hình ảnh PET/CT ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm (T1-T2aN0M0) có chỉ định trị xạ trị lập thể định vị thân. Đối tượng và phương pháp: Nghiên cứu mô tả cắt ngang, 32 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I (T1-T2aN0M0) có u phổi ngoại vi, được xem xét chỉ định xạ trị lập thể định vị thân từ tháng 01/2015 đến 11/2022. Các bệnh nhân được khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán xác định bệnh, giai đoạn bệnh, đo thông khí phổi và chụp PET/CT trước khi xạ trị lập thể định vị thân.Kết quả: Trung vị độ tuổi là 67 tuổi, trong đó 25% bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên, đa số là nam giới (65,6%) và có tiền sử hút thuốc (59,4%). Ho khan và đau ngực là 2 triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất, chiếm lần lượt 62,5% và 46,9%. 50% bệnh nhân có tình trạng toàn thân 2 điểm theo ECOG, khối u chủ yếu ở phổi phải (56,3%), đa số là ung thư biểu mô tuyến (78,2%). Chỉ 35,5% bệnh nhân có tăng CEA và 22,6% có tăng Cyfra 21-1, có mối tương quan thuận, mức độ trung bình có ý nghĩa giữa nồng độ Cyfra 21-1 và kích thước khối u với r = 0,436, p=0,014. Trung vị kích thước khối u là 2,95cm, giá trị trung vị SUVmax 7,95, khối u ở giai đoạn T2a (43,7%). Tỷ lệ giai đoạn T1a và T1b trên CTscan ngực lần lượt là 25% và 31,3%, trên PET/CT, 2 giai đoạn này tương ứng 18,8%, 37,5%, sự khác biệt có ý nghĩa với p<
0,05. 50% số bệnh nhân có rối loạn thông khí tắc nghẽn trên kết quả thông khí phổi. Kết luận:Đa số bệnh nhân là cao tuổi, thường có triệu chứng ho khan, đau ngực và chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến. Có mối tương quan thuận mức độ trung bình giữa Cyfra 21-1 với kích thước khối u. PET/CT làm thay đổi có ý nghĩa thống kê tỷ lệ giai đoạn T1a và T1b so với CT scan ngực