Mắm biển (Avicennia marina) là loài tiên phong trong quá trình diễn thế, rộng muối và có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn. Bài báo này tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của mức độ ngập triều, thành phần cơ giới đất đến mật độ và cấu tạo rễ hô hấp của cây mắm biển mọc tự nhiên ven biển huyện Giao thủy, tỉnh Nam định. Kết quả cho thấy, mức độ ngập triều có liên quan chặt chẽ với thành phần cơ giới đất, mật độ và cấu tạo rễ hô hấp. Mức ngập triều càng lớn, mật độ rễ hô hấp càng cao với hệ số tương quan là 0,9016. Tỉ lệ cát trong đất có mối tương quan nghịch với mật độ rễ hô hấp, còn limon và sét là tương quan nghịch. Rễ hô hấp có cấu tạo điển hình của thực vật Hai lá mầm, tầng phát sinh trụ hoạt động yếu nên đường kính rễ tăng không nhiều, vỏ sơ cấp tồn tại trong cấu trúc của rễ trưởng thành. Độ ngập triều ảnh hưởng sâu sắc đến tỉ lệ diện tích khoang chứa khí của mô mềm vỏ rễ với r = 0,8448.