Bệnh xoang không đối xứng không phổ biến bằng bệnh xoang đối xứng, tuy nhiên là bệnh lý khó chẩn đoán sớm trên lâm sàng và có nhiều biến chứng nếu không phát hiện sớm. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh xoang không đối xứng ở người lớn tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ năm 2019-2020. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 40 bệnh nhân có bệnh xoang không đối xứng đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ trong thời gian từ 01/10/2019 đến 30/07/2020. Kết quả: Tỷ suất nam/nữ là 0,9/1. Nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là nội trợ (20%). Nhóm tuổi mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao là 16-30 tuổi (45%). Thời gian mắc bệnh từ 1 năm đến 5 năm chiếm tỷ lệ cao nhất là 62,5%. Nhóm xoang bên phải bị tổn thương nhiều hơn nhóm xoang bên trái chiếm 63,6%. Triệu chứng cơ năng thường gặp (căng nặng vùng mặt 100%, nghẹt mũi 97.5%, chảy mũi trước/sau 85%, đau đầu 80%, mệt mỏi 70%, ù tai đau tai 65%). Bất thường vách ngăn mũi kèm theo là 56,9%. Hìnhảnh CT Scanner mũi xoang 100% có hình ảnh mờ xoang, 82,5 % tắc lỗ thông khe. Tổn thương xoang hàm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là 86,4%
Kết quả giải phẫu bệnh: viêm xoang mạn có polype 45%, viêm xoang mạn không có polype 32,5%, viêm xoang mạn do nấm 15%, bệnh lý u 7,5%. Kết luận: Bệnh xoang không đối xứng gặp nhiều ở tuổi trung niên, thời gian mắc bệnh kéo dài, triệu chứng lâm sàng đa dạng, thường gặp ở nhóm xoang hàm, nguyên nhân thường gặp do vi khuẩn, polype, nấm và khối u.