Nước rỉ rác là nước thải từ bãi chôn lấp chứa các thành phần ô nhiễm ở nồng độ cao. Do đó, việc xử lý nước rỉ rác cần một hệ thống phức tạp bao gồm các quá trình hóa học, hóa lý, sinh học và xử lý nâng cao. Nồng độ cao của amoniac trong nước rỉ rác ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật trong xử lý sinh học nên cần loại bỏ amoni xuống nồng độ thấp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình xử lý tiếp theo. Trong nghiên cứu này, tháp tách khí để loại bỏ amoni từ nước thải tổng hợp và nước rỉ rác đã được thiết kế và thử nghiệm. Ảnh hưởng của pH, tải trọng thủy lực (HLR), tỷ lệ khí/lỏng (G/L), và thời gian tuần hoàn lên hiệu quả tách amoni đã được nghiên cứu. Kết quả cho thấy việc tăng pH từ 9 tới 12 đã tăng hiệu quả xử lý amoni dù hệ thống vận hành ở những tỷ lệ G/L hay HLR khác nhau. Tại HLR bằng 57.6 và 172.8 m3/m2.ngày, tăng tỷ lệ G/L nâng cao được hiệu quả xử lý, đạt 56% với HLR ở 172.8 m3/m2.ngày, pH 12, và G/L 728. Việc tuần hoàn nước rỉ rác đã cải thiện đáng kể hiệu quả tách amonia, lên tới 99.0% sau ba giờ, đạt nồng độ amoni đầu ra là 25.2 mg/L. Như vậy, kết quả từ nghiên cứu này đã chứng minh hiệu quả của phương pháp tách khí trong tiền xử lý amoni từ nước rỉ rác và đề xuất được các điều kiện vận hành phù hợp.