Đồ uống có ethanol là đồ uống được xã hội chấp nhận, được kỳ vọng sẽ mang lại sự sảng khoái, thỏa mãn và giảm căng thẳng. Các loại đồ uống có ethanol phổ biến bao gồm: rượu, bia và siro. Theo tổ chức y tế thế giới, lạm dụng đồ uống có ethanol là yếu tố gây nguy cơ tử vong cao và nhiều bệnh tật ở người như gan nhiễm mỡ, gan to, xơ gan, ung thư gan, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày và thực quản,... Ở người, ethanol được loại bỏ chủ yếu thông qua quá trình chuyển hóa theo hai con đường. Con đường oxy hóa với sự tham gia của các enzyme: alcohol dehydrogenase (ADH), aldehyd dehydrogenase (ALDH), cytochrom P450 và catalase. Con đường không oxy hóa với sự tham gia của phospholipase và fatty acid ethyl ester (FAEE) synthase. Lạm dụng đồ uống có ethanol được cho là có nguyên nhân từ yếu tố di truyền (ADH, ALDH,...) và tâm lý, xã hội. Sự đa hình về trình tự nucleotide (single nucleotide polymorphisms - SNPs) gen mã hoá enzyme tham gia chuyển hoá ethanol đã giúp giải thích tại sao một số nhóm dân tộc và cá nhân có các nguy cơ sức khoẻ liên quan đến ethanol cao hơn hoặc thấp hơn cũng như phát triển chứng lạm dụng. Ở Việt Nam, sử dụng đồ uống có ethanol là một thói quen mang đậm nét văn hoá truyền thống. Đồng thời, lạm dụng rượu, bia đã là một vấn nạn và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ cộng đồng, hạnh phúc gia đình và an toàn xã hội. Trong khi đó, quan niệm uống rượu bia giúp giải toả căng thẳng thần kinh là phổ biến, nhiều người vẫn cảm nhận chủ quan uống rượu vào khoẻ hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra sự khác biệt về SNPs gen mã hoá enzyme tham gia chuyển hoá ethanol ở người Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu tìm hiểu mối liên quan giữa SNPs của các gen này với thói quen uống rượu, bia dẫn đến lạm dụng và các nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến ethanol là cần thiết.